Hà Nội - Lợn chết vứt tràn lan, hố tiêu hủy ngay ven đường, rò rỉ dịch đen ngòm. Người chăn nuôi lo ngại, đối mặt nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn lợn.
Có mặt tại khu vực đường vào thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh cũ, nay là xã Suối Hai) chiều 12.7, phóng viên ghi nhận tình trạng xác lợn chết vứt đầy hai ven đường. Nhiều xác lợn đã phân hủy gần hết, có xác lợn vừa mới được vứt ra đường. Tình trạng ô nhiễm nặng nề, mùi hôi thối bốc lên khiến người đi đường đều kinh sợ.
Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã tổ chức thu gom tiêu hủy. Thế nhưng, việc tiêu hủy lại khiến người dân lo ngại, khi hố tiêu hủy nằm sát ven đường, người dân qua lại rất đông.
Hơn nữa, sau khoảng 4 ngày chôn lấp, hố tiêu hủy này đã có dấu hiệu rò rỉ, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng tập trung, gây ô nhiễm cả một vùng.





Lợn chết được thu gom, tiêu hủy tại khu vực tiêu hủy lợn mắc bệnh vào chiều tối ngày 9.7. Ảnh: Đức Vân

Khu vực tiêu hủy lợn bệnh này đã có dấu hiệu bị rò rỉ, nước đen ngòm chảy ra, bốc mùi hôi thối nồng nặc sau 5 ngày thực hiện tiêu hủy. Ảnh: Thùy Linh
Xã Tản Lĩnh cũ (nay là xã Suối Hai) và một số xã lân cận thuộc huyện Ba Vì cũ là một trong những địa bàn chăn nuôi lớn tại Hà Nội. Tại các trại lợn của người dân, số lượng lợn được nuôi tại đây ước tính lên đến hàng nghìn con. Mỗi khi có dịch bệnh, ước tính có hàng trăm con lợn chết bị người dân “vứt trộm” ra đường.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, chị N.T.T (một hộ chăn nuôi lợn tại xã Suối Hai) lo ngại: “Đàn lợn nhà tôi luôn được tiêm phòng, phòng dịch đầy đủ, nghiêm ngặt, đến nay may mắn chưa mắc bệnh, nhưng hằng ngày đi chợ, tôi chứng kiến người dân vứt xác lợn chết ra đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ô nhiễm môi trường và gây nguy cơ cho đàn lợn khỏe của các gia đình khác”.
Theo chị T, tình trạng vứt xác lợn chết ra đường đã diễn ra được khoảng nửa tháng nay, mỗi ngày đều có những bao tải đựng lợn chết bị vứt bỏ ra đường.
Chiều 9.7, chính quyền địa phương đã đào một hố tiêu hủy lợn chết và triển khai công tác tiêu hủy. Hàng chục xác lợn chết đã được thu gom nhưng vẫn… không xuể.
Ghi nhận của phóng viên Lao Động chiều 12.7 cho thấy, xác lợn chết vẫn nằm rải rác dọc con đường ven bãi rác Xuân Sơn, đường vào thôn Hiệu Lực. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc.



Hình ảnh phóng viên Lao Động ghi nhận tại xã Suối Hai, Thành phố Hà Nội chiều ngày 12.7
Theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1.3.2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt xác động vật chết, chất thải chăn nuôi ra môi trường không đúng nơi quy định, không đúng quy trình kỹ thuật".
Ngoài xử phạt hành chính, nếu hành vi vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 248 hoặc Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trao đổi với phóng viên Lao Động chiều tối 13.7, ông Nguyễn Bá Chỉ - Trưởng thôn Hiệu Lực (xã Suối Hai - Hà Nội) xác nhận tình trạng người dân vứt lợn chết ra đường đã diễn ra một thời gian. Ông Chỉ cho biết chính quyền địa phương đã họp về tình trạng này, yêu cầu cán bộ các thôn phải cùng lực lượng thú y tham gia thu gom, tiêu hủy xác lợn chết khi người dân vứt ra môi trường.
"Tuy nhiên, việc thu gom không thể xuể, cứ hôm nay đi thu gom, chôn xong thì sáng mai lợn chết lại xuất hiện ngoài đường. Như hôm nay tôi thấy xuất hiện mấy con nhưng chưa đi chôn được" - ông Chỉ nói.
Trong các cuộc họp, ông Chỉ cũng đã thay mặt người dân đóng góp ý kiến, đề xuất mong muốn của người dân về việc sớm chấm dứt tình trạng này.
"Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Chúng tôi vô cùng lo ngại"- ông Chỉ nhấn mạnh.
Đáng chú ý, đây không phải tình trạng mới lần đầu xuất hiện. Thời điểm tháng 12 - năm 2018, phóng viên Báo Lao Động đã ghi nhận tình trạng dịch bệnh tại khu vực này trong các bài viết:
Cơ quan chức năng đã vào cuộc sau phản ánh của Lao Động, những cuộc tiêu hủy lợn bệnh được tổ chức bài bản, công tác tuyên truyền cho người dân cũng tăng cường, nhờ đó tình hình được cải thiện.
Thùy Linh - Báo Lao động