Quảng Ngãi - Dịch tả heo châu Phi bùng phát dữ dội, với 529 con bị tiêu hủy, người chăn nuôi lao đao vì thiệt hại nặng nề.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ ngày 1 - 10.7.2025, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 83 cơ sở, ở 42 thôn, thuộc 11 xã, phường, với 529 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 29,5 tấn.
Ngoài ra, có 8 xã đang xảy ra dịch tả heo châu Phi, gồm: Thọ Phong, Ba Gia, Trà Giang, Mỏ Cày, Tư Nghĩa, Sơn Tây Hạ, Vệ Giang, Trường Giang. Hiện các xã này đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y xử lý ổ dịch và tổng hợp, báo cáo số liệu.
Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen khiến sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng dịch, chăn nuôi chưa theo hướng an toàn sinh học.
Địa bàn phường Trương Quang Trọng hiện ghi nhận hơn 10 ổ dịch, chủ yếu tập trung tại tổ dân phố Độc Lập 1. Đến sáng 11.7, địa phương đã tiêu hủy hơn 140 con heo, với tổng trọng lượng hơn 4 tấn.

Lực lượng chức năng ở Quảng Ngãi đang khẩn trương tiêu hủy heo bị bệnh, khoanh vùng dập dịch để hạn chế lây lan, bùng phát trên diện rộng. Ảnh: Long Phụng
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, thì một số hộ gia đình lại đem heo ốm, chết vứt ra đường, kênh, mương, sông..., gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, mà còn vi phạm quy định của Luật Thú y. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để sớm khống chế và dập tắt các ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.
Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở yêu cầu các xã, phường, đặc khu thành lập các tổ triển khai biện pháp chống dịch như: tổ khử trùng tiêu độc, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, chết; tổ tiêm phòng vắc xin... nhằm hạn chế nguy cơ lây chéo dịch bệnh.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ heo tại vùng dịch cũng như trên toàn địa bàn, bảo đảm các hoạt động này được thực hiện đúng theo quy định pháp luật về thú y. Đồng thời, thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh tại địa phương để người chăn nuôi nắm rõ, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Viên Nguyễn - Báo Lao động